Đồng thời cha mẹ chính là người dẫn dắt con mình bước vào thế giới, chỉ cho chúng cách sống cuộc đời của chính mình, bằng chính sự nỗ lực và trách nhiệm của bản thân.
Bên cạnh việc dạy con cách sống, cách cư xử với những người xung quanh, các bậc phụ huynh cũng đừng quên nuôi dưỡng và phát triển những tố chất của con mình để trẻ có thể đạt được thành công khi lớn lên. Nhiều phụ huynh phó mặc điều này cho nhà trường. Đó chính là thiếu sót lớn nhất bởi gia đình có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự hình thành nhân cách và năng lực của một đứa trẻ.
Hãy cùng con thực hiện mơ ước trở thành nhà lãnh đạo thành công.
Nhiều bậc cha mẹ đặt vào con mình những ước mơ lớn nhưng lại không biết cách nào để giúp con thực hiện ước mơ ấy. Hầu như mọi người đều hy vọng khi lớn lên, con mình sẽ thành công, mạnh mẽ và được xã hội tôn trọng. Vậy làm sao để nuôi dưỡng một nhà lãnh đạo thành công trong tương lai? Có những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã mang trong mình tố chất của một thủ lĩnh nhưng cũng có những đứa trẻ tỏ ra nhút nhát và an phận. Dù thế nào đi chăng nữa, bạn cũng cần trang bị cho con mình những kỹ năng cơ bản để có thể trở thành người lãnh đạo thành công, tùy theo năng lực và sự phấn đấu của trẻ mà phạm vi lãnh đạo của chúng khi lớn lên có thể khác nhau.
Sau đây là 10 lời khuyên hữu ích dành cho các bậc cha mẹ:
1. Dạy con bằng chính tấm gương của mình. Chắc chắn rằng bạn không thể là một tấm gương hoàn hảo vì đã là con người thì không ai có thể tránh khỏi thiếu sót. Nhưng ít ra, bạn hãy cho con mình thấy rằng bạn là người biết nhìn ra sai lầm, có trách nhiệm với hành động của mình và luôn nổ lực khắc phục mọi nhược điểm.
2. Hãy cho con bạn thấy bạn đã phụ trách những việc gì trong sự nghiệp, trong cuộc sống và bạn đã hoàn thành tốt vai trò của mình như thế nào. Điều quan trọng nữa mà bạn không nên quên khi dạy con mình, đó là tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu và làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy. Có thể đó chỉ là những mục tiêu rất nhỏ như: Trong ngày hôm nay, con sẽ phải đọc hết bao nhiêu trang sách, phải làm hết bao nhiêu bài tập hay phải đạt được điểm cao ở những môn nào.
3. Đừng ngại đầu tư cho con mình trong những lĩnh vự trẻ yêu thích hoặc có năng khiếu.
Một bộ đồ chơi cũng giúp trẻ phát huy khả năng tư duy.
Việc học là quan trọng nhất, nhưng không nên vì thế mà lãng quên tài năng và những hoạt động mang tính sáng tạo của trẻ. Bạn đừng tiếc tiền khi mua cho con mình một bộ đồ chơi có thể giúp bé phát huy khả năng tư duy, một bộ màu tô thật tốt nếu bé có năng khiếu vẽ, một cây đàn đắt tiền nếu bé đam mê âm nhạc.... Để giúp bé tăng cường khả năng diễn đạt, hướng dẫn người khác, bạn có thể nhờ con hướng dẫn cho mình cách chơi, cách vẽ, cách thực hiện một điều gì đó.
4. Khuyến khích các ý tưởng mới từ con trẻ. Thường xuyên cập nhật cho trẻ những tin tức, sự kiện mới và yêu cầu trẻ cùng thảo luận với mình về những vấn đề ấy. Hãy để trẻ tự do thể hiện quan điểm riêng của mình, dù quan điểm ấy có khác với quan điểm của bạn đi chăng nữa.
5. Giao cho trẻ những công việc vặt hoặc những nhiệm vụ cụ thể để trẻ học cách lên kế hoạch, chịu trách nhiệm và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc. Có thể đó là những nhiệm vụ thật đơn giản như nấu một món ăn, dọn dẹp phòng ốc nhưng hãy xem đó là một trọng trách và trẻ cần tự mình thực hiện. Nếu trẻ làm tốt công việc của mình, bạn cũng đừng tiết kiệm lời khen để trẻ thêm tự tin và có động lực phấn đấu nhiều hơn nữa.
6. Đừng áp đặt, hãy tạo điều kiện cho con bạn tự đưa ra những quyết định mang tính cá nhân. Chẳng hạn như: ăn món gì? Đọc sách gì? Đi chơi ở đâu vào ngày cuối tuần? Bạn chỉ nên đóng vai trò là người ở bên cạnh, lắng nghe và đưa ra lời khuyên hữu ích cho trẻ khi thật sự cần thiết. Bạn cũng có thể hỏi xem vì sao trẻ có sự lựa chọn như vậy để khám phá thêm tính cách và đời sống nội tâm của con mình.
7. Chỉ cho con bạn cách làm chủ mọi tình huống. Hãy dạy cho trẻ thái độ tích cực và chủ động trong cuộc sống. Đây không phải là một bài học quá cao siêu, chỉ cần bắt đầu từ những chỉ dẫn đơn giản nhất, chẳng hạn như: Nếu cảm thấy buồn chán, con hãy tự tìm niềm vui cho mình bằng nhiều cách, nếu bị rơi vào tình huống khó khăn, con hãy tự nghĩ cách giải quyết trước khi tìm đến sự giúp đỡ, trong tất cả mọi chuyện, đừng bao giờ để mình bị rơi vào trạng thái bị động. Những bài học đơn giản này sẽ giúp ích rất nhiều cho con bạn khi lớn lên vì một nhà lãnh đạo xuất sắc phải là người chủ động và đi tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề.
8. Dạy cho con bạn cách suy nghĩ tích cực và lạc quan. Khi có một điều xảy ra, hãy định hướng trẻ nhìn nhận vấn đề theo hướng tốt đẹp nhất. Một người có suy nghĩ tích cực sẽ dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống. Điều này một phần do tính cách nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục của cha mẹ. Sớm dạy cho con lối suy nghĩ tích cực cũng là cách bạn giúp con mình tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống. Tuyệt đối không nên hù dọa hay gieo vào đầu con trẻ những suy nghĩ tiêu cực, bi quan.
9. Cổ vũ niềm đam mê, hoài bão và lòng dũng cảm nơi con trẻ. Một nhà lãnh đạo tài năng luôn là người có niềm đam mê, có lý tưởng, khát vọng và đủ dũng cảm để theo đuổi những khát vọng của mình đến cùng.
Một nhà lãnh đạo tài năng luôn là người có niềm đam mê, có lý tưởng, khát vọng.
10. Khuyến khích con thể hiện sự tự do của mình (tất nhiên là trong một khuôn khổ cho phép). Hãy khuyến khích trẻ thể hiện mình là ai và biết cách truyền cảm hứng cho người khác cũng làm như vậy. Tất nhiên, con bạn vẫn là một đứa trẻ và rất cần có sự quan tâm, định hướng và nhắc nhở để trẻ “được là chính mình một cách tốt nhất”.
10 lời khuyên trên đây có thể không hoàn toàn biến con bạn từ một đứa trẻ bình thường trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc nhưng ít ra, dù trẻ không thể trở thành nhà lãnh đạo như bạn kỳ vọng thì trẻ cũng có thể trở thành một người có nhiều khả năng đạt được thành công khi bước chân vào xã hội rộng lớn.
0 comments:
Post a Comment